Thân Hữu Đồng Công - Hải Ngoại

Giáo Hội trong thế giới ngày nay

Giáo Hội Hiện Thế - Thời Khoảng 19-21/6/2023

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa, 

Hôm nay là ngày 21/6/2023, ngày đầu Hè ở Mỹ quốc, một ngày lại thật là mát mẻ như vẫn còn Xuân ở Nam California.

Nếu Mùa Thu mang mầu sắc tàn tạ, Mùa Đông với cảnh sắc chết chóc, thì Mùa Xuân tỏ hiện sự sống tái sinh và Mùa Hè bừng lên sức sống phát triển.
Một năm có 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông thế nào thì một ngày cũng có 4 mùa như vậy: Sáng xuân, Trưa hè, Chiều thu và Đêm đông.
Thiên Chúa đã giáng sinh làm người vào Mùa Đông, vào đêm đông, như "ánh sáng chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5);
Vị Thiên Chúa Làm Người ấy cũng phục sinh giữa đêm tối, như "ánh sáng bừng lên từ trong tăm tối" (2Corinto 4:6).

Lịch sử thế giới cho thấy thế giới càng văn minh và nhân bản lại càng trở nên tăm tối hơn bao giờ hết,
với văn minh duy vật và hưởng thụ cùng với văn hóa vô thần và chết chóc, đến nỗi "đã mất ý thức tội lỗi", 
như ĐTC Piô XII cảm nhận trong Sứ điệp truyền thanh Ngài gửi dịp bế mạc Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc HK ngày 26/10/1946:
"Perhaps the greatest sin in the world today is that men have begun to lose the sense of sin".

Thế rồi từ tình trạng mấy ý thức tội lỗi ấy, được ĐTC Piô XII cảnh báo từ sau Thế Chiến Thứ II (1939-1945), 
con người hiện nay còn đi đến chỗ biến dữ thành lành và biến lành thành dữ,
bằng cách hợp thức hóa những gì là bất nhân và vô luân, duy nhân bản và phản nhân bản, thậm chí dám nhân danh nhân quyến để
ban cho con người tạo vật tuyệt đối tự do, muốn làm gì thì làm, như được quyền đồng tính hôn nhân và phá thai, được quyền triệt sinh an tử và trợ tử v.v.

Đó là lý do, trong đoạn Phúc Âm của Thánh Mathêu về tận thế (24:12-14), 

Chúa Giêsu đã cho thấy 2 hiện tượng hoàn toàn tương phản, ở chỗ, chính lúc "tội ác gia tăng" thì "tin mừng" cứu độ lại "được loan báo khắp thế giới", như sau:

"Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.  
"Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng."  

Theo chiều hướng "ở đâu tội lỗi càng gia tăng thì ở đấy ân sủng còn tăng bội hơn thế nữa" (Roma 5:20),

cùng với Giáo Hội là "Ánh sáng muôn dân - Lumen gentium" (nhan đề của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng chung Vaticanô II 21/11/1964),

để mang "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" (nhan đề của Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội của Công Đồng chung Vaticanô II 7/12/1965),
Kitô hữu chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thế trong 3 ngày qua ở những cái links sau đây:

GIÁO HỘI

 

 

HIỆN THẾ



ĐTC Phanxicô mời gọi phục hồi “cảm thức tôn thờ” Bí Tích Thánh Thể

Sáng thứ Hai 19/6/2023, chào các thành viên của Ủy ban chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Toàn quốc sắp tới tại Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu tái khám phá sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể và dành thời gian ở với Người khi cử hành Thánh lễ, cầu nguyện và chầu Thánh Thể, đồng thời dấn thân đến với tha nhân, đặc biệt là những người đau khổ hay lầm lạc.

Hồng Thủy - Vatican News

Từ trình thuật Tin Mừng về việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Đức Thánh Cha nhận định rằng Chúa đã muốn biến cơn đói bánh vật chất của con người thành cơn đói bánh sự sống đời đời (x. Ga 6,26-27). Vì lý do này, Người đã nói về mình như bánh hằng sống từ trời xuống, bánh đích thực ban sự sống cho thế gian (x. Ga 6,51).

Bí tích Thánh Thể là câu trả lời cho cơn đói khát sâu xa nhất của tâm hồn con người

Đức Thánh Cha khẳng định: “Thật vậy, Bí tích Thánh Thể là câu trả lời của Thiên Chúa cho cơn đói khát sâu xa nhất của tâm hồn con người, cơn đói khát sự sống đích thực, vì trong Bí tích Thánh Thể, chính Chúa Kitô thực sự ở giữa chúng ta, để nuôi dưỡng, an ủi và nâng đỡ chúng ta trên hành trình của mình.”

Khám phá lại cảm thức tôn thờ Thánh Thể

Lưu ý rằng ngày nay, có những tín hữu Công giáo tin rằng Bí tích Thánh Thể là một biểu tượng hơn là thực tại về sự hiện diện và tình yêu của Chúa, Đức Thánh Cha hy vọng rằng Đại hội Thánh Thể sẽ truyền cảm hứng cho người Công giáo trên khắp đất nước “khám phá lại cảm nhận kinh ngạc và kính sợ trước món quà vĩ đại của Chúa dành cho chính mình và dành thời gian với Người trong việc cử hành Thánh lễ và cầu nguyện cá nhân và chầu Thánh Thể.” Và ngài cũng nhấn mạnh đến nhu cầu nuôi dưỡng ơn gọi linh mục, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Không thể có Thánh Thể nếu không có chức linh mục.”

Dấn thân nhiệt thành hơn để trở thành môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha cũng hy vọng Đại hội Thánh Thể sẽ là cơ hội để các tín hữu dấn thân nhiệt thành hơn để trở thành môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu trên thế giới. Ngài nói: “Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ Đấng đã vì chúng ta mà hy sinh tất cả, Đấng đã hy sinh bản thân để ban cho chúng ta sự sống, Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng. Chúng ta chỉ trở thành những chứng nhân đáng tin cậy cho niềm vui và vẻ đẹp có sức biến đổi của Tin Mừng khi chúng ta nhận ra rằng tình yêu mà chúng ta cử hành trong bí tích này không thể giữ cho riêng mình mà phải được chia sẻ với tất cả mọi người. Như vậy, Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta đến một tình yêu tha nhân mạnh mẽ và dấn thân. Vì chúng ta không thể thực sự hiểu và sống ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể nếu trái tim của chúng ta đóng kín đối với anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo khổ, đau khổ, mệt mỏi hoặc những người có thể đã lầm đường lạc lối trong cuộc sống.” (CSR_2405_2023)